Gọi điện
Nhắn tin

Ngày nhỏ mình là một em bé khá lập dị. Mình cũng từng bị nhận xét là không biết tôn trọng người lớn khi không chào họ hoặc chào lí nhí. Sau này lớn mình mới nhận ra là ngày nhỏ mình không muốn gặp người lạ vì mình luôn không cảm thấy an toàn. Mình rất khó chịu khi có khách tới nhà, mình không quen với người đó nhưng cứ bị buộc phải ra mặt để chào hỏi thậm chí ngồi tiếp chuyện. Đứa trẻ cảm thấy không an toàn thì tất nhiên chỉ biết hoặc là xù lông, chiến đấu hoặc là bỏ chạy vì não bò sát sẽ quyết định điều này.

Thời của mình xã hội dường như ám ảnh bởi việc trẻ em phải tôn trọng người lớn nặng nề hơn bây giờ. Những đứa trẻ mẫu giáo còn có thể được dung túng chứ trẻ đến tuổi đi học mà vẫn còn cái gọi là “hành vi thiếu tôn trọng” thì lòng khoan dung của người lớn sẽ không còn nhiều nữa.
Người lớn sẽ coi sự thô lỗ, không nghe lời hoặc làm trái lại lời cha mẹ là một dấu hiệu cho thấy đứa trẻ không tôn trọng và ngay lập tức phải đối mặt với những hình phạt, trừng phạt.
Nhưng người lớn đã nhầm. Người lớn ở thời đó nhầm đã đành. Nhiều người lớn ở thời nay vẫn tiếp tục nhầm lẫn.
Thứ nhất, sự thiếu tôn trọng này là một phần bình thường trong chương trình phát triển não bộ của trẻ. Đó là một bộ não chưa trưởng thành, nó không được kiểm soát, nó cũng không phải là một sự ích kỷ. Đứa trẻ đang vật lộn với những cảm xúc lớn và thiếu kiểm soát các cơn bốc đồng. Người lớn lúc này cần đáp lại trẻ bằng sự lịch thiệp và thấu hiểu, dù chúng ta chưa hiểu lý do đằng sau sự bùng nổ của con là gì. Bình tĩnh hay chín chắn không đồng nghĩa với dễ dãi hay quá mềm yếu. Nó chỉ có nghĩa là chúng ta đã có thông tin, chúng ta chấp nhận sự bùng nổ đó của con và chúng ta hiểu tác động của chúng ta tới con như thế nào nếu phản ứng theo chiều hướng tiêu cực.

Thứ 2, trẻ em cần được nuôi dạy một cách nhất quán dù là con đang ở độ tuổi nào. 2 hay 20 (và bất kỳ độ tuổi nào ở trong khoảng ngày), con đều không cần kỷ luật khắc nghiệt và kỷ luật khắc nghiệt cũng không làm con cứng rắn hơn mà con cần sự hiểu biết và hỗ trợ nhiều hơn. Con cần sự thấu hiểu, cảm thông. Con cần chúng ta dạy con bằng cách chính chúng ta trở thành một tấm gương tuyệt vời. Con cần chúng ta giữ bình tĩnh, giữ kết nối và đây mới là những nền tảng giúp con học tập tốt nhất.
Thứ 3, những hình phạt, sự xấu hổ, hầu hết các hậu quả được áp đặt một cách thái quá đều không nhận được sự tôn trọng từ trẻ em. Chúng ta khiến con không còn tôn trọng mình. Sẽ có những đứa trẻ phản ứng lại gay gắt. Nhưng có những đứa trẻ thì lầm lũi và im lặng. Dù là thế nào, mối quan hệ giữa ta và con cũng bị rạn nứt. Chúng ta tạo ra một nỗi sợ hãi trong mối quan hệ, một khoảng trống và không còn cảm thấy an toàn nữa.

Hình phạt chỉ tạo ra sự tuân thủ trong thời gian ngắn. Đó là cách giáo dục sai và là hình thức kỷ luật không hiệu quả, dù là đứa trẻ đang ở độ tuổi nào.
Có người mẹ nhắn cho mình là “Chị ơi sao con em 7 tuổi rồi mà vẫn còn hành xử như trẻ con? Chống đối, không chịu học, không vâng lời người lớn”. Con 7 tuổi và chúng ta mong con hành xử như người lớn? Thậm chí 20 tuổi đứa trẻ cũng vẫn chưa trở thành một người lớn với sự phát triển thần kinh và não bộ hoàn chỉnh. Có những “đứa trẻ” phải chờ tới 25. Thậm chí, rất nhiều người lớn rất lớn rồi vẫn cứ hành xử không giống người lớn tí nào.
Có những đứa trẻ bị ép phải lớn và Sự sợ hãi, tuân thủ rất dễ bị đánh đồng với sự tôn trọng.
Chúng hoàn toàn khác nhau mà.

Trả lời